Nhu cầu cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói cho thanh long ngày càng cao, vì vậy việc cấp và quản lý sử dụng mã số cần được siết chặt.
Nhu cầu mã số vùng trồng ngày càng lớn
Tại hội nghị về tình hình sản xuất và tiêu thụ thanh long được Bộ NN-PTNT tổ chức mới đây tại Bình Thuận, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) Lê Văn Thiệt cho biết, năm 2014, được sự chỉ đạo của Bộ NN-PTNT, Cục BVTV bắt đầu đàm phán xuất khẩu thanh long đi thị trường Mỹ. Sau khi thị trường này mở cửa, đến nay chúng ta đã xuất khẩu thanh long vào nhiều thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zealand…
Đến ngày 1/1/2019, phía Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã thông báo khi xuất khẩu 9 loại quả tươi (trong đó có thanh long) vào nước này, bắt buộc phải có mã số vùng trồng, cũng như mã số cơ sở đóng gói.
Theo ông Thiệt, đến nay, nước ta đã có 3.646 mã số vùng trồng, 1.800 mã số cơ sở đóng gói cho tất cả các loại quả tươi để xuất khẩu, với 50/63 tỉnh/thành đã được cấp mã số vùng trồng.
Riêng thanh long của 3 tỉnh Bình Thuận, Long An và Tiền Giang hiện có 292 mã số vùng trồng và 1.100 mã cơ sở đóng gói, với tổng diện tích đã cấp mã số hiện vào khoảng 44.231ha. Do đó, có thể nói mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói phục vụ cho thanh long đã đáp ứng tốt nhu cầu xuất khẩu của các doanh nghiệp sang thị trường Trung Quốc và các thị trường khác.
Về việc cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, trước đây Bộ NN-PTNT giao Cục BVTV cấp và quản lý. Tuy nhiên từ khi phía Trung Quốc yêu cầu cấp mã số, hiện số lượng mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói ngày càng lớn. Do đó, theo chỉ đạo Bộ NN-PTNT, hiện mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói đã được giao về cho địa phương quản lý.
Vì vậy, việc tiếp nhận hồ sơ, đi kiểm tra, thẩm tra và cấp mã số vùng trồng thuộc về Chi cục Trồng trọt – BVTV các địa phương. Sau đó, các chi cục chuyển hồ sơ cho Cục BVTV, rồi Cục BVTV gửi qua các nước mà chúng ta xuất khẩu. Sau khi phía nước bạn chấp nhận hồ sơ, Cục BVTV sẽ chuyển gửi về cho địa phương quản lý.
Cần quy định, chế tài chặt chẽ hơn
Tại Bình Thuận, cây thanh long được xác định là cây lợi thế và đặc sản của địa phương này. Theo Sở NN-PTNT Bình Thuận, tính đến cuối năm 2021, toàn tỉnh có 33.750ha, sản lượng thanh long đạt 700.000 tấn/năm. Trong đó, đến nay đã có 12.397ha thanh long được cấp chứng nhận VietGAP (chiếm 35% tổng diện tích thanh long toàn tỉnh) và gần 355ha thanh long được cấp Giấy chứng nhận GlobalGap.
Để đáp ứng yêu cầu của các nước nhập khẩu thanh long, cần phải có mã số vùng trồng trước khi xuất khẩu. Thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành nông nghiệp hỗ trợ nông dân thực hiện các quy định trong sản xuất sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) để bảo đảm an toàn, chất lượng sản phẩm; sức khỏe, an toàn lao động, bảo vệ môi trường và truy xuất nguồn gốc. Đến nay, Bình Thuận đã đề nghị Cục BVTV cấp cấp 396 mã số vùng trồng và 268 mã số cơ sở đóng gói cho thanh long để xuất sang thị trường Trung Quốc và các thị trường khác.
Ngoài ra, trong năm 2021, Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận đã thực hiện kiểm tra để cấp mã số cho 21 vùng trồng đối với sản phẩm trái thanh long ruột trắng, thanh long ruột đỏ xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, Mỹ, Úc, New Zealand, Trung Quốc và 4 cơ sở đóng gói sản phẩm trái thanh long xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Tất cả các vùng trồng, cơ sở đóng gói này đều đạt yêu cầu. Trong đó có 17/21 vùng trồng đã được cấp mã số và 4 vùng trồng và 4 cơ sở đóng gói đang chờ phê duyệt của nước nhập khẩu.
Cũng trong thời gian trên, Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận đã thực hiện giám sát 128 vùng trồng đối với sản phẩm trái thanh long ruột trắng, thanh long ruột đỏ xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, Mỹ, Úc, New Zealand. Trong đó có 24 vùng trồng đạt yêu cầu; 91 vùng trồng không đạt yêu cầu; 13 vùng trồng đề nghị hủy mã số và 6 vùng trồng thay đổi thông tin vùng trồng.
Ngoài ra, đã giám sát 2 cơ sở đóng gói sản phẩm trái thanh long xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, trong đó đã thu hồi 1 mã số cơ sở đóng gói và hủy một mã số cơ sở đóng gói.
Theo ông Đỗ Văn Bảo, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận, trong năm 2021, do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đã gây rất nhiều khó khăn trong công tác kiểm tra, giám sát mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói trên địa bàn tỉnh.
Thêm vào đó, hiện Cục BVTV chưa có văn bản hướng dẫn về chế tài xử lý vi phạm trong trường hợp tổ chức, cá nhân mạo danh mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu.
Do đó, để quản lý chặt chẽ mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói, Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận kiến nghị Cục BVTV tham mưu Bộ NN-PTNT trình Chính phủ ban hành nghị định quy định chi tiết thực hiện Điều 64, Luật Trồng trọt, cũng như ban hành thông tư hướng dẫn cấp và quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói nông sản. Đồng thời, bổ sung quy định xử phạt vi phạm hành chính trong việc sử dụng mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Bên cạnh đó, quản lý chặt chẽ đầu ra lô hàng xuất khẩu (về kiểm dịch thực vật, kiểm nghiệm an toàn thực phẩm) đúng nguồn gốc sản phẩm xuất xứ từ mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói…
Theo Báo Nông Nghiệp
Bài đọc thêm: