Quảng Nam: Đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm chủ lực

Tỉnh Quảng Nam xác định các nhóm sản phẩm chủ lực của tỉnh trong giai đoạn 2022-2025, đồng thời mở rộng thị trường xuất khẩu.

Hướng đến mục tiêu nằm trong 20 tỉnh thành xuất khẩu lớn nhất cả nước

Theo Cục Hải quan tỉnh Quảng Nam, trong quý 1/2022, tổng kim ngạch hàng hoá xuất nhập khẩu của tỉnh đạt hơn 1.196,67 triệu USD, tăng 37,24% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 474,417 triệu USD, tăng 60,3% so với cùng kỳ. Các mặt hàng may mặc, giày dép, thuỷ sản, các sản phẩm về nội thất xuất sang thị trường Mỹ và châu Âu chiếm tỷ lệ lớn.

Ông Hồ Quang Bửu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam – cho biết, nhằm định hướng thị trường và điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thuộc các ngành nông nghiệp, công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ phát triển sản xuất sản phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu, tỉnh đã ban hành Chương trình đẩy mạnh xuất khẩu đối với các sản phẩm có khả năng cao của Quảng Nam giai đoạn 2022-2025.

Trong đó, Quảng Nam đề ra các mục tiêu cụ thể, xác định các sản phẩm của địa phương có tiềm năng để tập trung hỗ trợ, tìm kiếm thị trường, xúc tiến phát triển xuất khẩu.“Phấn đấu đến năm 2025, giá trị xuất khẩu hàng hóa của tỉnh Quảng Nam đạt 3,3 tỷ USD, trong đó đề ra mục tiêu xuất khẩu đối với từng nhóm hàng đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân giai đoạn 2021-2025 đạt 17,4%/năm, nằm trong số 20 tỉnh thành xuất khẩu lớn nhất cả nước”, ông Hồ Quang Bửu nhấn mạnh.

Đối với nhóm ngành nông, lâm, thuỷ sản, đây là nhóm có vị trí quan trọng trong cơ cấu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, phấn đấu giá trị sản xuất ngành nông, lâm, thủy sản đạt tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm 3,0 – 3,5%, tầm nhìn đến năm 2030 chiếm khoảng 6% trong GRDP cơ cấu kinh tế của tỉnh. Giá trị xuất khẩu đến năm 2025 đạt 300 triệu USD. Các mặt hàng nông sản chủ lực gồm sâm Ngọc Linh, măng cụt, dưa hấu, chuối; xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, cung cấp nguyên liệu gỗ cho công nghiệp chế biến đồ gỗ xuất khẩu, giảm dần nhập khẩu gỗ nguyên liệu và phát triển dịch vụ môi trường rừng; thu hút doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến, ứng dụng công nghệ đóng gói và bảo quản thực phẩm đối với hàng thủy sản xuất khẩu, nhất là các mặt hàng thế mạnh của tỉnh là tôm chân trắng và tôm sú.Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, chương trình xác định các mặt hàng chủ lực đẩy mạnh xuất khẩu trong giai đoạn 2022-2025 bao gồm nhóm ngành hàng nông, lâm, thủy sản; nhóm hàng công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ; nhóm hàng gia công xuất khẩu.

Đối với nhóm hàng công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, tiếp tục hỗ trợ Công ty Ôtô Trường Hải (THACO) đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường Thái Lan, Myanmar, Philippines, Mỹ, Nhật và mở rộng sang các nước trong khu vực ASEAN.

Đối với nhóm hàng gia công xuất khẩu, xác định nhóm mặt hàng xuất khẩu chủ lực là máy móc và linh kiện điện tử; hàng dệt may, da giày; hàng da giày…

Tận dụng tối đa lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do

Trong giai đoạn 2022-2025, UBND tỉnh Quảng Nam xác định hướng cho từng thị trường xuất khẩu, nhóm ngành hàng khác nhau.

Châu Á là khu vực thị trường có số lượng FTA Việt Nam tham gia nhiều nhất trong khuôn khổ hợp tác ASEAN với các đối tác. Các mặt hàng xuất khẩu mạnh sang thị trường châu Á gồm: các sản phẩm từ gỗ, nông thủy sản chế biến, hàng may mặc, da giày, linh kiện điện tử… Quảng Nam dự kiến đến năm 2025, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này đạt hơn 939 triệu USD, chiếm 28% tổng giá trị xuất khẩu của tỉnh.

Đối với thị trường châu Mỹ, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được ký kết năm 2018, các hoạt động xúc tiến thương mại, nâng cao kim ngạch xuất khẩu vào châu Mỹ luôn được đẩy mạnh. Các mặt hàng tỉnh Quảng Nam xuất khẩu chủ yếu thuộc nhóm hàng gia công như hàng may mặc, da giày, thiết bị linh kiện điện tử… và nhóm ngành công nghiệp phụ trợ như phụ tùng ô tô, máy móc thiết bị.“Quảng Nam sẽ đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này các nhóm hàng gia công xuất khẩu như máy móc, linh kiện điện tử, dệt may, da giày và nông sản”, ông Bửu nói và cho biết thêm, EU là thị trường có rất nhiều quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật về chất lượng hàng hóa, các quy định này không cố định mà thường xuyên thay đổi hoặc nâng cao hơn. Đây cũng là khu vực đề cao các yếu tố cạnh tranh lành mạnh, quyền sở hữu trí tuệ…Đặc biệt, Quảng Nam sẽ tập trung thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường EU để doanh nghiệp tận dụng hiệu quả Hiệp định EVFTA thông qua các ưu đãi thuế quan. Ông Hồ Quang Bửu cho biết, nhiều ngành hàng như giày dép, dệt may, thủy sản, gỗ, rau quả đều đã tận dụng khá tốt và gia tăng được kim ngạch xuất khẩu.

“Vì vậy, để tận dụng được EVFTA doanh nghiệp giao thương với thị trường EU cần thường xuyên cập nhật các tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng, kể cả quy cách đóng gói, bao bì, thông tin sản phẩm; tuân thủ các yêu cầu về cạnh tranh lành mạnh, minh bạch thông tin, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa”, ông Bửu nhấn mạnh.

Nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu

Để sớm đạt được những mục tiêu đề ra trong giai đoạn tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho hay, Quảng Nam đã đưa ra nhiều giải pháp về công tác xúc tiến thương mại, thông tin thị trường hỗ trợ doanh nghiệp. Xây dựng các kênh thông tin hỗ trợ doanh nghiệp về thị trường, tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, tăng cường công tác phân tích, dự báo thị trường và nghiên cứu, ban hành các chính sách tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh tham gia trực tiếp, hiệu quả chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng tỉnh tăng cường công tác cảnh báo các quy định về rào cản và những vấn đề phát sinh đối với xuất khẩu hàng hoá. Hỗ trợ, tạo điều kiện để doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tham gia các hội nghị, hội thảo, kết nối giao thương giữa nhà cung cấp với doanh nghiệp xuất khẩu, tổ chức xúc tiến thương mại và các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thương mại quốc tế, các cam kết FTA và chính sách xuất nhập khẩu. Tiếp tục đề xuất cải cách mạnh mẽ các thủ tục hành chính về xuất nhập khẩu, hỗ trợ lãi suất đầu tư đổi mới công nghệ, xây lắp nhà xưởng, nhập khẩu máy móc, thiết bị tiên tiến để sản xuất hàng xuất khẩu.

Với dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu, Quảng Nam xây dựng kế hoạch, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng thương mại điện tử, chuyển đổi mô hình kinh doanh trên môi trường trực tuyến để kết nối trực tiếp với người tiêu dùng. Huy động các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, sân bay, bến cảng nhằm phát triển, nâng cao chất lượng dịch vụ logistics.Với tiêu chuẩn về sản phẩm hàng hoá, xây dựng các chương trình, đề án hướng dẫn doanh nghiệp xuất khẩu ổn định sang các thị trường nước ngoài, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, EU, Mỹ. Định hướng thành lập các cơ sở đào tạo, trung tâm thử nghiệm, các tổ chức chứng nhận đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Về dịch vụ tài chính (vốn, thuế, phí…), các tổ chức tính dụng, ngân hàng thương mại xây dựng, đề xuất gói tín dụng lãi suất thấp và đảm bảo doanh nghiệp tiếp cận được dễ dàng, nhất là đối tượng các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã nông nghiệp để có khả năng phục hồi sản xuất và xuất khẩu sau dịch bệnh Covid-19. Xây dựng các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí, giá thành sản xuất sản phẩm và các loại thuế, phí cho doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19.

Theo Báo Công Thương

Bài đọc thêm:

  1. Tích cực quảng bá thực phẩm, đồ uống Việt Nam tại thị trường Nhật Bản
  2. Việt Nam: Tăng cường quảng bá thủy sản tại Pakistan
  3. Xúc tiến, quảng bá sản phẩm làng nghề và OCOP Việt Nam năm 2021

Popular Posts

Back To Top