Chính phủ Trung Quốc công bố các điều kiện thử nghiệm để tiến tới phê duyệt cây trồng chỉnh sửa gen nhằm tăng cường an ninh lương thực.
Giới lãnh đạo Trung Quốc cho biết, vào cuối năm 2020, nước này cần sử dụng khoa học và công nghệ để “thay đổi” ngành công nghiệp hạt giống khẩn cấp, vốn từ lâu đã phải vật lộn với tình trạng dư thừa công suất và ít đổi mới sáng tạo. Công nghệ chỉnh sửa gen là một điểm sáng Trung Quốc đang hướng đến.
Công nghệ chỉnh sửa gen (CRISPR) là một trong các kỹ thuật chỉnh sửa gen thực vật hiện đại, được thiết kế nhằm tạo ra những thay đổi nhỏ đối với một gen mục tiêu của cây trồng để mang lại nhiều lợi ích về giá trị dinh dưỡng, kinh tế cũng như khả năng chống chịu với điều kiện bất thuận của môi trường, thời tiết, đặc biệt là biến đổi khí hậu.
Mặc dù công nghệ chỉnh sửa gen cây trồng được dự đoán sẽ làm thay đổi hoàn toàn ngành công nghiệp, hành lang pháp lý và việc sử dụng công nghệ này vẫn đang là vấn đề được thảo luận, tranh cãi tại nhiều quốc gia.
Cuối ngày 24/01/2022, Bộ Nông Nghiệp và Nông thôn Trung Quốc vừa đưa ra Hướng dẫn mới về cây trồng chỉnh sửa gen .Trước bối cảnh nhiều năm qua Trung Quốc vẫn phải nhập khẩu một phần đáng kể hạt giống rau về nước để sản xuất, đây được coi là một mắt xích trọng yếu trong nỗ lực đảm bảo để có thể đủ sức nuôi sống trên 1,4 tỷ người.
Trước đó chính quyền Bắc Kinh cũng đã thông qua các quy định mới, đặt ra một lộ trình rõ ràng để phê duyệt cây trồng biến đổi gen (GM). Theo giới chuyên gia nghiên cứu, Trung Quốc đã cân nhắc vấn đề này trong nhiều năm qua về việc liệu có nên cho phép trồng cây biến đổi gen để làm thức ăn cho người và gia súc hay không, nhưng Bắc Kinh đã đi trước một số quốc gia trong việc vạch ra các quy trình rõ ràng và tương đối nhanh cho cây trồng chỉnh sửa gen.
Trước đó các viện nghiên cứu của Trung Quốc đã công bố nhiều nghiên cứu về cây trồng chỉnh sửa gen theo định hướng thị trường, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Độ chính xác của công nghệ này làm cho nó phát triển nhanh hơn so với công việc nhân giống thông thường hoặc biến đổi gen, và đặc biệt là tiết giảm chi phí.
Quy định vừa ban hành cũng ít rườm rà hơn nhiều so với một số quốc gia khác, chẳng hạn như Hoa Kỳ, mặc dù Liên minh châu Âu vẫn đang xem xét cách thức điều chỉnh công nghệ chỉnh sửa gen cây trồng.
Các điều kiện, quy tắc dự thảo quy định rằng một khi cây trồng được chỉnh sửa gen đã hoàn thành các thử nghiệm thí điểm, thì có thể xin giấy chứng nhận sản xuất, bỏ qua các thử nghiệm trên đồng ruộng kéo dài cần thiết để được phê duyệt chính thức.
Hiện không rõ có bao nhiêu công ty hoặc viện nghiên cứu sẵn sàng nộp đơn xin phê duyệt các sản phẩm cây trồng đã chỉnh sửa gen.
Theo Báo Nông Nghiệp
Bài đọc thêm: