Trong tương lại, khi xuất khẩu hàng đi EU, Hoa Kỳ, Anh… doanh nghiệp cần đưa ra báo cáo về loại năng lượng, các tiêu chí môi trường cho họ.
Ông Kim Højlund Christensen – Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam đã cho biết như vậy khi nói về những yêu cầu cần thiết cho nhà xuất khẩu Việt Nam trong thời gian tới, nếu muốn kinh doanh bền vững và được người tiêu dùng thế giới chấp nhận.
“Châu Âu, Mỹ đòi hỏi những chuẩn mực về môi trường, về xã hội của doanh nghiệp tương đối cao. Vì vậy những đơn vị có giao thương xuất khẩu và làm ăn với các đối tác từ Châu Âu và Mỹ phải tuân thủ nguyên tắc này”– ông Phạm Nguyễn Vinh – Giám đốc Phát triển Kinh doanh của Quỹ Dragon Capital bổ sung.Ông Kim Højlund Christensen cho rằng, khi các doanh nghiệp lớn vào Việt Nam đầu tư, họ cần Việt Nam có sẵn cơ sở hạ tầng và sản xuất tuân thủ các tiêu chí ESG (môi trường, xã hội và quản trị) hay không.
Cũng theo ông Vinh, Việt Nam sẽ sớm đưa vào hoạt động sàn giao dịch tín chỉ carbon. Vì vậy các doanh nghiệp trong nước cũng như Chính phủ Việt Nam và các địa phương cần có những chính sách để phát triển kinh tế bền vững nói chung và ESG nói riêng để tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Ông Keijo Norvanto – Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam nhấn mạnh, Việt Nam hay bất kỳ quốc gia nào khác cũng sẽ được hưởng lợi nếu thực hiện các nguyên tắc về ESG. Điều này cũng vô cùng quan trọng khi một quốc gia muốn thu hút nhiều hơn đầu tư nước ngoài. “Những doanh nghiệp nào làm tốt ESG, họ sẽ thu hút được nhiều nguồn vốn tốt, rẻ và dài hạn từ các nhà đầu tư. Đặc biệt là những nhà đầu tư nước ngoài”, ông Keijo Norvanto – Đại sứ Phần Lan khẳng định.Ngoài vấn đề xuất khẩu, các nhà đầu tư ngày càng ưa chuộng xu hướng đầu tư dựa trên đánh giá các tiêu chí ESG, đặc biệt là khi nền kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt với đại dịch Covid-19.
Không chỉ thu hút nhà đầu tư chất lượng cao, ESG còn là phương cách để đảm bảo một nền kinh tế bền vững hơn, dễ dàng thích ứng được với những biến động lớn trên thị trường như dịch Covid-19 hơn. Bên cạnh đó, việc củng cố hệ thống pháp luật thông qua luật lao động sửa đổi và triển khai các cam kết đầy tham vọng sau Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu (COP26) – hứa hẹn sẽ đưa ra câu trả lời cho những thách thức chung ở khu vực công và tư nhân tại Việt Nam.
Chính vì thế, theo ông Phạm Nguyễn Vinh, ngay từ bây giờ các doanh nghiệp nên xây dựng chính sách về ESG. Sau khi có chính sách thì nên có 1 bộ phận quản lý về môi trường, xã hội và quản trị cho doanh nghiệp. Đồng thời nên đầu tư vào nguồn lực, phải có người chịu trách nhiệm về vấn đề ESG, để thực hiện đo đạc, kiểm kê hàng năm về lượng khí thải cũng như các tiêu chí ESG.
Không chỉ các doanh nghiệp, cơ quan nhà nước cũng cần thực hiện ESG. Bởi lẽ đối với khu vực công và các cơ quan nhà nước, ESG cũng rất quan trọng để đóng góp phần mình để chấm dứt tình trạng biến đổi khí hậu, để tăng cường sự ổn định về xã hội, để cải thiện hoạt động quản lý nhà nước… “Không ai có thể tự mình thực hiện tất cả điều này, chúng ta phải làm cùng nhau. Chính phủ quy định khung thể chế và các biện pháp khuyến khích cho doanh nghiệp và doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi từ điều này cả trong ngắn hạn và về lâu về dài để phát triển bền vững”, – bà Ann Mawe – Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam cho hay.
Theo Báo Công Thương
Bài đọc thêm: