Gạo được đánh giá là một trong những mặt hàng xuất khẩu đầy tiềm năng vào thị trường Bắc Âu nhờ những ưu đãi giảm thuế từ Hiệp định EVFTA.
Đa dạng kênh cho gạo Việt vào thị trường Bắc Âu
Theo Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển, kiêm nhiệm thị trường Bắc Âu, mặt hàng tăng trưởng rõ rệt nhất trong mấy năm gần đây vào Bắc Âu là mặt hàng gạo. Kể từ khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, lượng nhập khẩu gạo của Thuỵ Điển từ Việt Nam đã tăng lên đáng kể. Trong 9 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu gạo đạt khoảng 1,6 triệu USD, tăng 41% so với cùng kỳ năm 2020.
Do tác động tích cực của Hiệp định EVFTA, mặt hàng gạo của Việt Nam có lợi thế cạnh tranh hơn so với các đối thủ trên thị trường như gạo Ấn Độ, Thái Lan. Bên cạnh đó, Thương vụ cũng đã tích cực xúc tiến thương mại mặt hàng gạo, tuyên truyền, vận động doanh nghiệp nhập khẩu gạo Việt Nam để được hưởng lợi thuế quan.
Gạo nhập khẩu vào thị trường Bắc Âu chia ra làm ba loại chính: dùng cho người, làm thức ăn gia súc, và làm nguyên liệu cho chế biến tiếp.
Các nhà nhập khẩu gạo rất đa dạng. Một số nhà xay xát và thương hiệu gạo tự tổ chức việc nhập khẩu, đôi khi thông qua các nhà môi giới. Đôi khi các nhà nhập khẩu cũng chính là các công ty thương mại, tự nhập khẩu và phân phối trong cửa hàng bán lẻ của mình.Để gạo Việt Nam chinh phục tốt hơn thị trường Bắc Âu trong thời gian tới, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển khuyến cáo, các công ty nhập khẩu đóng một vai trò quan trọng trong việc kiểm tra chất lượng và các thông số kỹ thuật an toàn thực phẩm của gạo, cũng như trong việc phân phối cho người tiêu dùng và người bán lại nhỏ hơn. Hầu hết các nhà nhập khẩu có mối quan hệ tốt tại các nước sản xuất và có thể thực hiện các hoạt động xay xát và đóng gói. Hầu hết thị trường gạo được cung cấp bởi một số lượng tương đối nhỏ các thương nhân và nhà nhập khẩu, nhưng thị trường gạo đặc sản bao gồm nhiều người chơi hơn thị trường gạo thông thường.
Ngoài các nhà nhập khẩu, một lượng lớn gạo cũng được bán thông qua các công ty môi giới. Không giống như các nhà nhập khẩu, họ không trở thành chủ sở hữu của sản phẩm; thay vào đó, họ nhận hoa hồng khi bán gạo cho khách hàng.
Các nhà môi giới thường là các cá nhân hoặc công ty nhỏ. Mặc dù quy mô nhỏ, các nhà môi giới có thể chuyển nhượng một lượng gạo đáng kể. Họ chủ yếu tập trung vào nhu cầu số lượng lớn và gạo đặc sản có nhu cầu cao, nhưng với mạng lưới đủ rộng, họ có thể kinh doanh các loại cụ thể hơn hoặc thương mại công bằng và gạo hữu cơ.
Ngoài ra, các tập đoàn bán lẻ lớn của Bắc Âu như Coop, ICA… nhập khẩu gạo thông qua trung tâm nhập khẩu và sau đó phân phối cho hệ thống bán lẻ của chính họ. Họ có các nhãn hiệu riêng nhập khẩu và đóng các loại gói cho người tiêu dùng và nhà hàng.
“Một giải pháp thay thế có thể sử dụng ngay bây giờ hoặc trong tương lai để tìm kiếm thị trường và tạo điều kiện thuận lợi cho việc buôn bán gạo là các nền tảng như Rice Exchange, một thị trường kỹ thuật số toàn cầu. Rice Exchange nhằm tạo ra một sự tin cậy, giảm rủi ro và chi phí thấp hơn cho người mua và người bán thông qua công nghệ blockchain” – Thương vụ khuyến cáo.
Chất lượng là yếu tố tiên quyết
Gạo được nhập khẩu từ các nước phát triển, sau đó được chế biến và đóng gói tại các nước Bắc Âu trước khi đưa ra thị trường bán lẻ cho người tiêu dùng. Trong 3 nước Bắc Âu, chỉ có Thụy Điển và Đan Mạch có nhà máy chế biến gạo.
Một số công ty có mối liên hệ chặt chẽ hơn với phân khúc thực phẩm dân tộc, tập trung vào các loại gạo cụ thể hơn nhằm đáp ứng nhu cầu về hương vị truyền thống. Ví dụ, gạo Nếp cái hoa vàng hay gạo nếp men xay của Việt Nam để phục vụ cho người tiêu dùng Việt Nam tại khu vực Bắc Âu.
“Đối với các nhà cung cấp gạo đặc sản, tốt nhất là nên thiết lập quan hệ đối tác vững chắc và tránh buôn bán gạo với số lượng lớn. Các nhà nhập khẩu, nhà xay xát và môi giới gạo có thể hữu ích khi nói đến khối lượng lớn hơn, nhưng việc bán gạo đặc sản cần có một mạng lưới tốt” – Thương vụ khuyến cáo. Đồng thời chia sẻ, nhìn chung, thị trường gạo đặc sản còn nhỏ và việc giới thiệu một sản phẩm gạo mới cần nhiều thời gian. Để tạo sự khác biệt cho sản phẩm so với các đối thủ cạnh tranh hoặc để đạt được sự ổn định với một sản phẩm thích hợp thực sự, cần phải tìm các đối tác phù hợp để đại diện cho sản phẩm của mình.
Yếu tố quan trọng nhất để gạo Việt chinh phục khu vực thị trường Bắc Âu, Thương vụ nhấn mạnh: “Chất lượng nhất quán là chìa khóa!”. Nếu sản xuất gạo với kích thước hạt cụ thể, mùi thơm hoặc đặc tính khác, cần phải có một quy trình sản xuất đáng tin cậy và được quản lý tốt để đảm bảo mức chất lượng nhất quán. Nếu giống lúa và đặc tính sản phẩm không thể dễ dàng (tái sản xuất) ở một nơi khác do điều kiện khí hậu và đất đai cụ thể, có thể sử dụng nguồn gốc như một điểm bán hàng độc đáo khi giới thiệu sản phẩm.
Gạo đóng gói sẵn và các nhãn hiệu gạo ngoại có thể được bán thông qua các nhà bán buôn. Tuy nhiên, để tiếp thị thương hiệu của riêng, doanh nghiệp nên có sự hiện diện ở EU hoặc Bắc Âu. Nếu không, cần tìm đối tác để giúp quảng bá sản phẩm.
Theo Báo Công Thương
Bài đọc thêm: