Trung Quốc hiện là thị trường chính nhập khẩu sắn và sản phẩm sắn của Việt Nam. Tuy nhiên trong năm 2022 có thể sẽ gặp nhiều khó khăn…
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tháng 1/2022, Việt Nam xuất khẩu được 277,14 nghìn tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, trị giá 117,35 triệu USD, tăng 4,9% về lượng và tăng 2,6% về trị giá so với tháng 12/2021; so với tháng 1/2021 giảm 40,5% về lượng và giảm 32% về trị giá; giá xuất khẩu bình quân sắn và các sản phẩm từ sắn ở mức 423,4 USD/tấn, giảm 2,2% so với tháng 12/2021, nhưng tăng 14,3% so với tháng 1/2021.
Tính riêng mặt hàng sắn, trong tháng 1/2022, xuất khẩu sắn đạt 94 nghìn tấn, trị giá 25,6 triệu USD, tăng 19% về lượng và tăng 15,2% về trị giá so với tháng 12/2021.
Trong tháng 1/2022, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn sang Trung Quốc chiếm 96,4% tổng lượng sắn và các sản phẩm từ sắn của cả nước, với 267,11 nghìn tấn, trị giá 112,14 triệu USD, tăng 7,4% về lượng và tăng 4,8% về trị giá tháng 12/2021; so với tháng 1/2021 giảm 40,2% về lượng và giảm 31,9% về trị giá.
Năm 2022, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn sang Trung Quốc dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân do mới đây, để đảm bảo phòng dịch, Trung Quốc yêu cầu với mặt hàng khô của Việt Nam, bên ngoài bao bì phải được bọc màng nylon, tránh virus xâm nhập. Trong quy trình kiểm soát hàng của phía Trung Quốc sẽ có bước phải phun khử khuẩn hàng nông sản khô, do vậy doanh nghiệp bắt buộc phải đóng gói sản phẩm khô để tránh bị hỏng.
Cũng theo Cục Xuất nhập khẩu, trong 10 ngày giữa tháng 2/2022, nhu cầu của Trung Quốc yếu nên giá sắn không có nhiều biến động, xuất khẩu tinh bột sắn bằng đường biển vẫn chậm. Một vài nhà máy tinh bột sắn tại miền Trung, Tây Nguyên nâng giá thu mua sắn tạo động lực thu hoạch cho người dân trong bối cảnh lượng sắn đưa về các nhà máy thấp.
Bài đọc thêm: